Tại Festival Huế 2008, bên cạnh hàng chục cuộc triển lãm, trưng bày diễn ra trên khắp các đường phố, nhà triển lãm với nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng; một phòng tranh nhỏ nhắn, ý nhị nằm trong con kiệt nhỏ đường Lê Thánh Tôn của Nội thành Huế. “Về lại” tên của phòng tranh, là tình cảm của những người Huế xa quê góp tiếng lòng của mình bằng những gam màu hoài hương.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, cùng với Nguyễn Thượng Hải và Dương Đình Hùng, Kim Long đã trở về Huế, trở lại nơi được mệnh danh là “Tuyệt tình Cốc” của nhóm văn nghệ sỹ trí thức trước năm 1975 với những đứa con tinh thần của mình là những bức sơn dầu đen trắng nhuần nhị.
Tên thật là Nguyễn Quốc Hoàng, sinh năm Bính Tuất (1946). Tuổi thơ và cả thời tuổi trẻ của Hoàn là những cuộc rong chơi mê mải, là những chuyến lang thang trên vùng đất văn vật sông Hương, núi Ngự. Chỉ học một năm ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, rồi xa Huế vào những năm đầu của thập niên bảy mươi. Bút danh Kim Long - đó là nỗi hoài hương, là tiếng kỳ vọng ký ức trong vườn tuổi thơ là sự vọng tưởng về một xứ Hà Khê bên dòng Hương nức tiếng văn chương.
Và đây cũng chính là tên phòng tranh cũng là quán ăn Huế khá nổi tiếng trên đất Sài Thành với những đặc sản bánh Huế và bún bò Huế.
Tự nhận là người cầm cọ “amateur” như là một họa sỹ rong chơi - Kim Long thích vẽ phong cảnh của quê hương. Ký ức và cả tâm thức Huế không tả nhưng lại gợi rung cảm và xúc động trong tranh sơn dầu của Kim Long.
Xem tranh của anh, người ta có thể liên tưởng đến câu nói “mỗi người Huế về bản chất là một nhà thơ, một nghệ sỹ”. Không vẽ tranh chuyên nghiệp, Kim Long đến với cây cọ bằng tâm thức và vì vậy anh làm thơ bằng nét cọ để khảm vào một mảng mosaic của riêng mình.
BẢO HÂN
(03-09)
Nguồn : TạpchíSôngHương
http://tapchisonghuong.com.vn/index.php?main=newsdetail&pid=0&catid=3&ID=1677&shname=Kim-Long-ky-uc-va-nhung-mang-mau-Hue